Công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works đưa thông tin rằng Temu - sàn thương mại điện tử đình đám của Trung Quốc sắp mở rộng thị trường tại Việt Nam, chính thức khai chiến với nhiều thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.
Temu tham vọng thâm nhập thị trường
Temu - một sàn thương mại điện tử chỉ mới có 2 tuổi đã làm mưa làm gió tại thị trường Mỹ. Với khát vọng có mặt trên toàn cầu, sau khi xuất hiện ở Philippines và Malaysia cách đây hơn 1 năm, đồng thời bắt đầu giao hàng ở Thái Lan vào tháng 7/2024 thì hiện Temu đã có mặt ở Việt Nam lẫn Brunei.
Tính đến ngày 7/10/2024, Temu đã có mặt tại 5 thị trường ở Đông Nam Á và mở rộng hoạt động trên 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trên thực tế, từ tháng 7/2024, các chuyên gia trong ngành đã nhận thấy tiềm năng Temu sẽ tiến vào thị trường Việt Nam.
Hiện tại, phiên bản trang web của Temu dành cho người dùng Việt Nam vẫn còn khá sơ sài, khi chỉ hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Anh mà chưa có giao diện tiếng Việt. Phương thức thanh toán cũng chỉ giới hạn ở thẻ tín dụng và chưa tích hợp các ví điện tử địa phương. Ngoài ra, Temu mới chỉ liên kết với hai đơn vị vận chuyển là Ninja Van và Best Express.
Theo thông tin từ trang web của Temu, thời gian vận chuyển hàng hóa đến Việt Nam dự kiến khoảng 4-7 ngày, nhanh hơn đáng kể so với 5-20 ngày tại thị trường Malaysia và Philippines. Điều này không khó lý giải, bởi việc vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện qua đường bộ.
Động thái này của Temu cũng dễ hiểu khi báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024 của Momentum Works nhấn mạnh rằng Việt Nam là thị trường TMĐT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2023, với mức tăng trưởng GMV theo năm gần 53%.
Đáng chú ý hơn, thị trường còn xuất hiện thông tin bên lề về việc Temu đang đàm phán với mua lại một sàn thương mại điện tử nào đó đang kinh doanh kém hiệu quả hoặc không còn sức để cạnh tranh tại Việt Nam để hỗ trợ khâu bán hàng của họ tốt hơn.
Temu - sàn thương mại điện tử giá rẻ
Temu là một nền tảng mua sắm trực tuyến được phát triển bởi Pinduoduo, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Temu đã được ra mắt ở Mỹ vào ngày 1/9/2022 và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người tiêu dùng nhờ việc cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng và mức giá cả rất phải chăng.
Là một thành viên của PDD Holdings, Temu chủ động hợp tác với mạng lưới nhà cung cấp và đối tác để lựa chọn những sản phẩm chất lượng. Nền tảng này tập trung vào việc bán hàng với mức giá thấp, tạo ra sự cạnh tranh với các đối thủ lớn khác.
Khi mua sắm trên Temu, bạn có thể khám phá rất nhiều danh mục các sản phẩm và dịch vụ tiện ích, từ quần áo, giày dép đến trang sức, đồ trang trí nhà cửa và rất nhiều các mặt hàng khác. Temu liên tục cập nhật hàng ngàn sản phẩm mới trong 16 ngành hàng khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Temu cũng mang đến trải nghiệm mua sắm thú vị hơn bằng cách cung cấp chính sách hoàn trả miễn phí trong vòng 90 ngày và đồng thời cho phép khách hàng giữ sản phẩm trong thời gian chờ đổi trả. Chỉ với một cú chạm để xem và mua các sản phẩm chính hãng yêu thích với giá tốt.
Để tạo niềm tin và sự ưa chuộng từ khách hàng Mỹ, Temu đã tiến hành quảng cáo rộng rãi tại quốc gia này. Trong quý IV/2022, chi phí bán hàng và tiếp thị lên 40% của Pinduoduo đã tăng, đạt 1,98 tỷ USD, chủ yếu là do tăng chi tiêu cho các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi.
Tại Việt Nam, báo cáo của Công ty Phân tích tư vấn và phát triển kênh TMĐT YouNet ECI cho thấy trong quý II/2024, Shopee tiếp tục giữ ngôi vương khi chiếm tới 71,4% thị phần, xếp sau là TikTok Shop chiếm 22% thị phần.
Phần ít ỏi còn lại thuộc về Lazada (5,9%) và Tiki (0,7%). Trong khi đó, sàn Sendo với thị phần quá ít nên không được đưa vào bảng xếp hạng này. Tin Temu chính thức mở rộng thị trường tại Việt Nam khiên cho Cuộc chiến thương mại điện tử đang dần nóng lên.